Mô hình đào coin bằng điện thoại xuất hiện tại Việt Nam với những giàn khai thác chuyên nghiệp, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Một dàn đào coin bằng điện thoại với 10 chiếc điện thoại Samsung. Ảnh: TC.MOBI.
Một dàn đào coin bằng điện thoại với 10 chiếc điện thoại Samsung. Ảnh: TC.MOBI. |
Việc khai thác tiền mã hóa tại Việt Nam đã chững lại từ nửa cuối 2022 sau sự kiện The Merge. Các dàn đào ETH, sử dụng card đồ hoạ của AMD, NVIDIA gần như bị đào thải khi mạng lưới blockchain lớn thứ 2 thế giới chuyển sang hình thức xác thực bằng chứng cổ phần (Proof of Stake) thay vì bằng chứng công việc. Các “trại đào” dùng phần cứng máy tính xả hàng ồ ạt, ngừng hoạt động.
Gần đây, tại Việt Nam xuất hiện mô hình đào coin bằng điện thoại với các hệ thống lớn, chạy node blockchain. Nhiều người dùng trên mạng xã hội được mời chào mua các giải pháp khai thác tiền mã hóa với mức đầu tư khởi điểm 50-130 triệu đồng.
Theo lời quảng cáo, những hệ thống này sử dụng điện thoại Android để đào tiền số, thay vì card đồ hoạ công suất cao hoặc bộ xử lý chuyên nghiệp. Lợi ích của phương pháp này là ít tỏa nhiệt, không tạo tiếng ồn và tiết kiệm điện năng. Đơn vị cung ứng dịch vụ lắp đặt dàn đào quảng cáo mức lợi nhuận của giải pháp này ở mức 4-6% tháng, hoàn vốn sau 24 tháng.
Ảnh quảng cáo cho một dàn khai thác tiền số bằng điện thoại Galaxy S8, đã tháo các linh kiện không cần thiết. Ảnh: TC.MOBI.
Ảnh quảng cáo cho một dàn khai thác tiền số bằng điện thoại Galaxy S8, đã tháo các linh kiện không cần thiết. Ảnh: TC.MOBI. |
“Dàn Asis đào BTC hay trâu xanh, trâu đỏ khai thác ETH đều có công suất lớn 3.500-4.000 W. Trong khi đó, một ‘box’ điện thoại mỗi tháng chỉ tốn 50.000-60.000 đồng tiền điện. Mặt khác, máy di động tách biệt, chiếc hỏng tháo ra là xong. Trong khi dàn PC có card gặp sự cố phải dừng hệ thống”, người bán nói về các ưu điểm của loại dàn đào mới.
Theo ông Đức Thật, người cung cấp dịch vụ lắp dàn đào coin trên điện thoại, thiết bị được gắn trên dàn chủ yếu là điện thoại Samsung, có tính tương thích cao. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí, các máy bị tháo toàn bộ các linh kiện không cần thiết cho việc đào coin. Ví dụ, màn hình, pin, camera, vỏ máy đều bị loại bỏ.
Một dàn gồm 10 chiếc smartphone được cấp nguồn trực tiếp, quản lý thông qua bo mạch rời, trên máy tính chủ. Giải pháp vận hành, điều khiển được bên bán cung cấp.
Ông Thật cho biết mức đầu tư ban đầu cho một dàn máy đào dạng này 53-133 triệu đồng với 10 máy con. Chênh lệch chủ yếu phụ thuộc vào đợt hàng, nguồn cung linh kiện và dòng máy khách hàng chọn. Những phiên bản phổ biến gồm Galaxy S7, S8, Note 8 từ Samsung.
Các loại coin có thể khai thác bằng di động được quảng bá gồm Fireal, Versuscoin, Mibcoin… Những đồng tiền số này hiện đều có giá trị vốn hoá ở mức trung bình, thấp. Ngoài ra, hệ thống điện thoại này được tận dụng để cài phần mềm, nhận AirDrop (nhận thưởng tiền số), nuôi tài khoản Facebook ảo, chạy tương tác, bình luận trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá trị của một giàn đào coin bằng di động ở mức cao, không thua kém việc sử dụng card đồ hoạ. Đồng thời, đầu ra của những linh kiện này, sau quá trình sử dụng để khai thác tiền số vẫn chưa có. Các máy đều không còn pin, camera, màn hình, nên việc sử dụng như một chiếc điện thoại bình thường gần như là không thể.
Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại làm các node xác thực trong mạng lưới blockchain vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Vốn mô hình Proof of Work của BTC, ETH sử dụng các phần cứng mạnh mẽ để thực hiện tính toán, tăng tính bảo mật khi giao dịch. Trong khi đó, khả năng xử lý của điện thoại chưa thể so sánh với GPU chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, mô hình “đào coin” trên di động từ xuất hiện, phổ biến qua ứng dụng Pi Network. Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động, mạng lưới này vẫn chưa đi vào vận hành chính thức trên blockchain. Ngoài ra, việc khai thác Pi cũng chỉ là hành động điểm danh trên một ứng dụng, không liên quan đến chuỗi khối.
Nguồn: zingnews.vn